Phú Quốc là một địa điểm lý tưởng cho một tour du lịch biển, bởi sở hữu những bãi biển đẹp hoang sơ với những bãi cát trắng trải dài dưới ánh nắng rực rỡ. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của rất nhiều người, tour du lịch tới Côn Đảo lại mang ý nghĩa tâm linh, và lịch sử. Bởi tại đây, một trong những hoạt động không thể thiếu là viếng mộ Cô Sáu, vừa để tưởng nhớ tới nữ anh hùng trẻ của Tổ Quốc, vừa là để cầu mong sự may mắn & bình yên.
Hãy lưu lại những thông tin trong bài viết này để có thêm thông tin & kinh nghiệm khi đi viếng mộ Cô Sáu nhé!
Quá Khứ Hào Hùng Của Nữ Anh Hùng Võ Thị Sáu – Huyền Thoại Vùng Đất Đỏ
Cùng điểm lại một số nét chính trong cuộc đời để hiểu rõ hơn về nữ anh hùng trẻ tuổi Võ Thị Sáu nhé.
Về tiểu sử
Võ Thị Sáu sinh năm 1933, nguyên quán trên bia mộ chỉ ghi tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cô sinh ra trong một gia đình nghèo, cha làm nghề đánh xe ngựa chở khách, mẹ buôn bán bún bì chả tại chợ Đất Đỏ.
Năm 1946, khi Võ Thị Sáu được 11 tuổi, thực dân Pháp quay trở lại chiếm các địa bàn tại Bà Rịa lần thứ hai, trong đó có Đất Đỏ. Sự tàn bạo của lính Pháp cùng với bè lũ tay sai đã làm bùng lên ngọn lửa căm thù trong lòng cô, và quyết định cùng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.
Quá trình hoạt động
Năm 1946, cô theo anh trai là Võ Văn Me vào khu kháng chiến, và trở thành liên lạc viên của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Năm 1947, cô chính thức trở thành đội viên Công an xung phong Đất Đỏ khi mới 14 tuổi. Từ đó, cô tham gia nhiều trận tập kích bằng lựu đạn, ám sát các sĩ quan Pháp và Việt gian cộng tác với quân Pháp; đặc biệt là trận tập kích bằng lựu đạn tại lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp ngày 14 tháng 7 năm 1949 tại Đất Đỏ, gây được tiếng vang trong vùng.
Bị bắt & xử án
Vào tháng 12 năm 1949, trong một chuyến công tác tại Đất Đỏ, cô đã bị quân Pháp bắt được. Một số tài liệu khác ghi cô bị bắt vào tháng 2 năm 1950, sau khi cô và đồng đội dùng lựu đạn tập kích giết chết Cả Suốt và Cả Đay, là hương chức người Việt cộng tác đắc lực với quân Pháp, ở ngay phiên chợ Tết Canh Dần tại chợ Đất Đỏ.
Sau khi bị bắt, cô lần lượt bị đưa đi thẩm vấn và giam giữ tại các nhà tù Đất Đỏ, khám đường Bà Rịa và khám Chí Hòa. Tháng 4 năm 1950, tòa án binh của quân đội Pháp đã đưa cô ra xét xử với tội danh làm chết một sĩ quan Pháp và 23 người Việt cộng tác với Pháp.
Vào thời điểm xử án, cô chưa tròn 18 tuổi, vì vậy các luật sư bảo vệ cô căn cứ vào điểm này để tranh biện nhằm đưa cô thoát khỏi án tử hình. Mặc dù vậy, tòa án binh Pháp vẫn tuyên án tử hình cô.
Bản án này đã gây chấn động dư luận, gây ra sự phản đối mạnh mẽ cả tại Việt Nam và ngay tại nước Pháp. Chính vì vậy, chính quyền quân sự Pháp không thể công khai thi hành bản án. Cô tiếp tục bị giam cầm tại khám Chí Hòa cho đến tận giữa tháng 1 năm 1952 thì bị chính quyền quân sự Pháp chuyển ra Côn Đảo để bí mật thi hành án tử hình khi cô đã đủ 18 tuổi.
Giây phút cuối cùng
Rạng sáng ngày 23 tháng 1 năm 1952, lúc khoảng 5 giờ, cô bị đưa đến văn phòng giám thị trưởng đặt trước sân Banh I để làm lễ rửa tội. Đến 7 giờ sáng, cô bị đưa đến sân Banh III phụ để tiến hành xử bắn.
Mặc dù bị trói vào gốc bàng, và bị quân thù lấy khăn bịt mắt, nhưng cô Sáu phản đối không cho bịt. Cô vẫn tự nhiên, hiên ngang ca hát, mắt sáng rực, nhìn thẳng vào bọn lính sắp bắn hát bài “Chiến sĩ Việt Nam”, “Lên Đàng”…
Được truy tặng danh hiệu
Sau khi cô hy sinh, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công nhận cô là liệt sĩ. Năm 1993, cô được Nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Khu mộ của Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo được tôn tạo nhiều lần và trở thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất tại Côn Đảo.
Ngôi nhà mà gia đình cô thuê ở cuối thập niên 1930 đầu thập niên 1940, đã được chính quyền Việt Nam mua lại đầu thập niên 1980, trùng tu lại nguyên trạng ban đầu và công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 15/QĐ-BT ngày 27 tháng 1 năm 1986.
Những Câu Chuyện Tâm Linh Về Mộ Cô Sáu
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, đất nước Việt Nam đã sản sinh ra vô số anh hùng dân tộc có công với nước. Tuy nhiên, không phải mộ của vị anh hùng nào cũng trở thành địa điểm du lịch tâm linh như mộ cô Sáu. Đến thăm mộ cô Sáu, du khách sẽ được nghe không ít câu chuyện ly kỳ, nói lên sự linh thiêng của cô.
Vị thế của Cô Sáu trong tâm trí người dân bản địa
Ở Côn Đảo, người dân rất ngưỡng mộ tôn thờ những người anh hùng vì dân, vì nước xem họ như là một vị thần, mà thần thì có nhiều uy lực, kiểu như hô mưa gọi gió, cầu với thần là được, ước với thần sẽ thấy. Một kiểu tôn thờ Phương Đông, tâm linh và tin tưởng vào những điều phi thường. Mãi đến bây giờ còn lưu truyền những câu chuyện về cô Sáu như một truyền thuyết dân gian. Tượng đài cô Sáu ở Đất Đỏ và mộ ở Côn Đảo ngày ngày đều được thắp nhang nghi ngút, trái cây, giấy tiền, vòng hoa xanh ươm, vệ sinh khu mộ sạch sẽ quanh năm dù mưa hay gió.
Người dân Côn Đảo gặp bất cứ khó khăn gì, hoặc có những sự kiện quan trọng trong cuộc đời, đều ra mộ cô để thắp nhan và báy lạy. Những cặp đôi yêu nhau, sắp cưới, họ mang gương lược, hoa quả, bánh trái ra thắp nén hương và khấn cầu cho đôi uyên ương được hạnh phúc viên mãn. Những người đi làm ăn xa, trước khi lên đường đều đến thắp nhang và cầu mong một chuyến đi an lành may mắn. Những người đất liền, hay lui tới khấn cầu những điều chưa đạt được, và rồi mỗi năm đều đặn họ quay trở lại một cách im lặng, không cần phải nói ra những điều huyền bí, người ta cũng thấy được điều gì đang diễn ra.
Các bạn trẻ ở đây, lớn lên trong một niềm tin tuyệt đối về cô, chúng thường thề bồi câu “ Tao thề có cô sáu chứng giám nha” hoặc mắng nhau thì “Ê, coi chừng cô Sáu vặn họng nha chưa”. Mỗi nhà người dân đều thờ cô Sáu trong nhà, mỗi năm đến lễ giỗ là cả Côn Đảo cùng làm lễ giỗ cho cô, người dân trong đất liền từ nhiều nơi như TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng … cũng ra, họ chủ yếu là những người cai ngục ngày xưa, và những người tôn thờ đặt niềm tin vào cô Sáu.
Người dân cho biết, họ đã từng nhìn thấy cô Sáu bước ra từ cây dương mỗi tối. Cô mặc áo dài trắng, lướt qua từng đường phố, hiện lên trước cửa từng nhà, nhìn tận mặt từng người. Sau khi giám sát mọi việc thiện ác trên đảo, cô Sáu lại trở về biến hình vào cây dương khi trời chưa sáng, trước lúc mọi người thức dậy, đến nghĩa trang Hàng Dương, thắp hương, cắm hoa trước mộ cô trước khi đi làm việc.
Chuyện lời hứa
Ông Lê Hữu Hòa, cán bộ kiểm lâm Côn Đảo kể về câu chuyện đời mình:
“Tôi năm nay 57 tuổi, tính đến nay, đã có 33 năm công tác trên đảo. Hồi đó, tôi không làm kiểm lâm, mà là giáo viên ở đất liền, được “biệt phái” ra dạy bổ túc văn hóa. Sau đó, trời xui đất khiến, tôi “phải lòng” một cô học trò trong lớp, cũng là một viên chức công tác ở huyện. Sau khi học xong lớp bổ túc này thì chúng tôi nên duyên vợ chồng.
Nhưng sau đó, chúng tôi mãi chẳng có con, tôi mới đánh liều khấn thầm là nếu các vị anh hùng trên đảo linh thiêng phù hộ, cho tôi một đứa con thì tôi tình nguyện ở lại đảo không phải vài 3 năm như kế hoạch mà 30 năm cũng được. Ai ngờ sau đó chúng tôi có con thật. Rồi bên kiểm lâm thiếu nhân sự, điều tôi sang. Thời gian cứ thế cuốn đi, quay qua quay lại, hơn 30 năm trôi qua, tôi vẫn ở đây. Không biết có phải do trùng hợp hay lời khấn nguyện của tôi linh ứng?”
Chuyện những tên trộm bỏ xác trên biển
Điều đặc biệt trên Côn Đảo là những chiếc xe máy không bao giờ phải khóa, có thể để ở bất kỳ đâu mà không có người trông coi. Lý giải về vấn đề này cũng có nhiều câu chuyện dài. Ông Lê Minh Chương (Sáu Chương), nguyên cán bộ phụ trách Văn hóa – Thông tin huyện Côn Đảo, một trong 7 cựu tù Côn Đảo còn trụ lại hòn đảo này kể câu chuyện:
“Hồi đó, chú nhớ là năm 1990, trên đảo còn khó khăn lắm. Không chỉ khó khăn về vật chất, mà cả tinh thần cũng thiếu thốn. Ra đây chẳng khác nào Robinson trên đảo hoang. Mỗi 2 tháng tàu mới ra tiếp tế 1 lần, ấy là khi sóng yên biển lặng.
Cả đảo chỉ có 1 chiếc ti vi rất to. Rồi có một anh bạn của chú, khi đó công tác ở huyện Duyên Hải (Cần Giờ, TP.HCM ngày nay – PV), ra thăm đồng đội, thấy tình cảnh trên đảo như vậy thì thương. Thế là anh ấy về huy động nhiều nơi mua được 2 chiếc xuồng gắn máy nhỏ, mang ra tặng đảo để làm phương tiện đi lại giữa các đảo nhỏ, khi cần kíp thì có phương tiện tức thì. Mọi người mừng lắm.
Hai chiếc xuồng neo đậu ở bến tàu 914, làm mái che hẳn hoi. Nhưng chỉ buộc dây thôi chứ chẳng có bảo vệ gì, vì có ai nghĩ sẽ bị mất trộm đâu. Ấy vậy mà mất thật…Sau một ngày quần quanh các đảo, anh em tìm thấy 3 người chết đuối trôi dạt vào mấy đảo nhỏ, ngoài những vết thương do cá rỉa, cả 3 đều mất cả 2 bàn tay. Rồi hôm sau, lại thấy 2 chiếc xuồng nổi lập lờ gần đó. Đó chỉ là một trong số những chuyện xảy ra trên đảo mà tôi chứng kiến. Nhưng có điều chắc chắn rằng nếu lên đảo mà làm bậy, thì thế nào cũng gặp hậu quả.”
Kinh Nghiệm Viếng Mộ Cô Sáu
Viếng mộ cô Sáu, hoặc dâng hương tại nghĩa trang Hàng Dương là một hoạt động không thể thiếu của du khách mỗi khi có dịp ghé thăm Côn Đảo. Nếu bạn đặt tour du lịch Côn Đảo, người tổ chức tour sẽ lo toàn bộ thủ tục cho đoàn. Nhưng nếu là khách lẻ, hãy lưu ý một số điểm sau:
Về thời gian: Viếng mộ cô Sáu giờ Tý
Vào giờ Tý, lẫn trong tiếng gió lao xao là tiếng nhạc của bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” vang lên xúc động và thiêng liêng. Hầu hết với những người tới đây đều tâm niệm, nơi đầu tiên họ muốn đến là thăm mộ chị Võ Thị Sáu.
Đêm ở nghĩa trang Hàng Dương khác biệt với những điểm đến khác của du lịch Côn Đảo. Những cụm đèn khắp nơi tỏa sáng và trước mỗi ngôi mộ đều có một ngọn đèn nhỏ như ánh nến, những nén hương cháy đỏ thoảng hương thơm dịu nhẹ. Tiếng nhạc trầm, phát ra từ những chiếc loa nhỏ đặt rải rác trong khuôn viên nghĩa trang hòa cùng tiếng sóng vỗ ầm ào từ biển, tiếng gió rì rào trên những cành dương…Tất cả hòa quyện lại nghe như tiếng hát ru giấc ngủ ngàn thu cho những người con ưu tú của đất nước đang yên nghỉ ngàn đời nơi Côn Đảo anh hùng.
Điều khiến những du khách lần đầu du lịch Côn Đảo ngạc nhiên là càng về khuya, dòng người đổ về nghĩa trang càng đông, trong đó phần lớn là khách du lịch Côn Đảo. Tại nghĩa trang Hàng Dương, cũng như các khu mộ khác, mộ chị Võ Thị Sáu luôn nghi ngút khói hương, từng đoàn người tự giác xếp hàng và lần lượt vào thắp hương viếng chị trong yên lặng. Hiếm có người nào cất công du lịch Côn Đảo lại không tới viếng mộ chị. Thậm chí, chị Võ Thị Sáu đã trở thành lý do chính khiến du lịch Côn Đảo xa xôi ấy trở nên gần gũi với đất liền…
Mộ của chị nằm ngay dưới một gốc cây Dương mất ngọn, cành hướng về phía Bắc, không có bia khắc về tên tuổi, mà chỉ duy nhất một tấm tôn gỉ ghi rõ số tù. Thời gian qua đi, người người đến thăm mộ của chị nhiều hơn, bia đá cũng được hình thành Mộ đã có tên, tuổi cũng được thấy, xuất xứ cũng rõ ràng, du khách quốc tế du lịch Côn Đảo sẽ không còn bị ngỡ ngàng nếu muốn tìm hiểu về chị.
Sắm lễ viếng mộ Cô Sáu
Với mỗi người, đồ lễ dâng cô Sáu có thể đa dạng khác nhau, tuy nhiên, bộ đồ lễ cô Sáu đầy đủ nhất bao gồm: nón lá, một bộ gương lược, một bó hương, một sấp thỏi vàng, một chai nước suối, và quan trọng nhất là một bó hoa trắng.
Những người đi lễ lâu năm truyền nhau rằng cô Sáu rất thích hoa trắng nên bạn đừng nên quên. Cầu kì hơn có thể may thêm áo dài trắng hoặc bộ bà ba để lễ cô. Khi đến mộ cô, bạn ngửa nón là lên và bày tất cả đồ cũng đã chuẩn bị vào bên trong rồi đặt lên mộ cô hoặc làm theo hướng dẫn của ban quản lý nghĩa trang.
Gợi ý một số loại mâm lễ:
Bộ đồ mã cơ bản gồm:
- 1 nón lá hoặc 1 mũ tai bèo
- 1 áo dài hoặc áo bà ba
- 1 sấp giấy tiền vàng bạc tổng hợp
- 1 chai nước suối
- 1 bó hương (nhang)
- 1 cặp nến (đèn cầy)
- 1 bộ trang sức
- Giầy, guốc
- Bồ kết
Lễ thật gồm:
- 1 nón lá hoặc 1 mũ tai bèo
- 1 áo dài hoặc áo bà ba
- 1 sấp giấy tiền vàng bạc tổng hợp
- 1 chai nước suối
- 1 bó hương (nhang)
- 1 cặp nến (đèn cầy)
- 1 bộ trang sức
- Giầy, guốc
- Bồ kết
Lưu ý: Đồ lễ thật không được hóa mà để lưu trữ tại nhà tưởng niệm.
Ngoài ra, một số người cũng muốn cúng thêm lễ mặn và hoa quả tùy tâm, nhưng phải theo hướng dẫn của ban quản lý.
Văn khấn cô Sáu
Có rất nhiều văn khấn cô Sáu, tùy thuộc vào văn hóa vùng miền mỗi nơi nhưng phổ biến nhất là bài văn khấn dưới đây:
Kính lạy:
Ngài Kim niên Đương Cai Thái Tuế Chí Đức Tôn thần, Kim Niên Hành Binh, Công Tào Phán Quan.
Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng Chư Vị Đại Vương.
Ngài Bản Xứ Thần Linh Thổ Địa Tôn Thần.
Các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ Long Mạch Tôn Thần, Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản ở trong xứ này.
Con là (tên của bạn):……………………………………………………………
Địa chỉ: ……………………………………………………………………………
Sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Tôn thần, kính viếng vong linh là: Cô Sáu, phần mộ ký táng tại nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo.
Nay nhân ngày……………… con xin cúi lạy Thần Linh đất này, Thành Hoàng Bản Thổ nơi đây, đất lành chim đậu, đức dày thanh cao, giữ lành công lao, có kết có phát nhờ vào thần quan, tôn thần long mạch cao sang, nhị thập tứ hướng nhị thập tứ sơn quanh vùng.
Chọn đây an táng mộ phần, thỏa yên muôn thủa, hồng ân đời đời, gia ân mãi mãi không thôi, chúng con xin có vài lời cầu xin: Bái tạ thủ mộ thần quan, cho chân linh dưỡng cho hài cốt nguyên vẹn toàn, phù hộ con cháu trần gian, an khang mạnh khỏe ăn làm gặp may. Âm dương cách trở, bát nước nén hương, biểu tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Phục duy cẩn cáo!
(Khấn 3 lần rồi đốt vàng tiền).
Còn nếu bạn chưa kịp in bài văn khấn trên hoặc không thuộc thì cứ thành tâm khấn vái, chỉ cần nêu rõ tên họ, địa chỉ chính xác của mình và khấn xin Cô Sáu ban cho bình an, sức khỏe, tránh cầu xin tài tộc, tình duyên… là được.
Bình luận (0)